Hiện nay nhiều loại máy tính chơi game trên thị trường đều được
thiết kế theo phong cách hầm hố, kích thước lớn với những đường nét đặc
trưng. Tuy nhiên dòng máy tính xách tay chơi game nổi tiếng Blade của
Razer lại không đi theo xu hướng đó. Phiên bản Blade 2012 của Razer được
thiết kế thời trang hơn, mỏng hơn người tiền nhiệm nhưng vẫn đảm bảo
hiệu năng cao. Với việc nâng cấp sức mạnh bằng bộ vi xử lý Intel Core i7
mới nhất cùng card đồ họa Nvidia GTX, liệu Blade 2012 có thật sự nổi
bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nhất là khi nó được bán với giá
lên tới 2500 USD.


"Đập hộp" laptop chơi game Razer Blade thế hệ 2.


Thiết kế


Vẫn giữ thiết kế giống như người tiền nhiệm,
Razer Blade 2012 có thiết kế dạng “lai” giữa Macbook Pro 17 inch và
Alienware M17x. Đó là sự kết hợp thiết kế mỏng, kiểu dáng thời trang và
được tối giản hoá. Mặt trên của máy là màu đen mờ với logo Razer truyền
thống là con rắn ba đầu phát sáng màu xanh nổi bật ở trung tâm, mặc dù
vậy Razer còn tạo điểm nhấn khi tạo những gờ nhẹ chia phần nắp trên của
máy thành 3 phần với màu sắc gần như nhau. Mặc dù nổi bật như vậy nhưng
nắp trên lại lưu lại rất nhiều dấu vân tay khi sử dụng.



Razer Blade (2012) 301928-razer-blade-2012-cover-80549

Razer Blade (2012) IMG_0076-80549
Khi mở máy tính, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Razer Blade
2012 và các máy tính xách tay khác trên thị trường chính là touchpad.
Touchpad của máy là một màn hình cảm ứng LCD nằm ở phía bên phải bàn
phím. Phía trên bàn phím còn có một nút nguồn lớn, ngay bên dưới màn
hình là một lưới tản nhiệt cho loa. Giống như nắp trên, khung bên trong
của máy cũng được làm bằng nhôm màu đen, mà làm cho bàn phím backlit
xanh ngọc và nút nguồn trở nên nổi bật. Mặt dưới của máy cũng được thiết
kế tinh tế hơn với các lỗ tản nhiệt.



Razer Blade (2012) IMG_0027-80549


Với trọng lượng khoảng 2,9 kg và dày 22,35 mm, Razer Blade 2012 là
chiếc máy tính xách tay chơi game nhẹ nhất và mỏng nhất trên thị trường.
Nhẹ hơn một chút so với cả Macbook Pro 15 inch (kích thước 391,16 x
264,16 x 25,4 mm, trọng lượng 3,084 kg). Alienware M17x R4 hầm hố nên
kích thước lớn hơn (408,94 x 302,26 x 44,45 mm), dày hơn gấp đôi và nặng
hơn (4,4 kg). Hai đối thủ còn lại đều có kích thước lớn hơn và nặng hơn
là Origin Eon 17S có kích thước 411,48 x 276,86 x 43,18-45,72 mm, trọng
lượng 3,72 kg, trong khi Samsung Series 7 Gamer có kích thước 414,02 x
320,04 x 22,86-50,8 mm và trọng lượng 3,81 kg.


Màn hình và Webcam


Hướng đến mục đích chơi game nên không có gì là bất ngờ khi Razer
trang bị cho Blade 2012 màn hình nhám kích thước lớn lên đến 17,3 inch
với độ phân giải full HD 1080p (1920 x 1080), cung cấp hình ảnh sắc nét
và góc nhìn rộng. Thử nghiệm cho thấy đồ họa cel-shaded của trò chơi
Borderlands 2 trên màn hình của máy cũng là rất tuyệt vời.



Razer Blade (2012) IMG_0077-80549

Màn hình hiển thị LED-backlit của máy cũng không có bất kỳ vấn đề
nào liêu quan đến độ tương phản hoặc màu sắc, cơ bản đây là một màn hình
màu sắc cân bằng, sáng và sẽ không làm người dùng thất vọng nhưng không
thật sự ấn tượng.


Tuy nhiên, khi so sánh cạnh nhau thì màn hình hiển thị của
Alienware M17x R4 có khả năng hiển thị hình ảnh sống động hơn. Độ nhạy
sáng màn hình của Blade 2012 đạt 256 lux, cao hơn so với mức trung bình
250 lux trong dòng laptop được đánh giá là có thể thay thế máy bàn, tuy
nhiên lại thấp hơn so với Eon 17S, M17x và Series 7 Gamer với độ nhạy
sáng tương ứng lên đến 262 lux, 282 lux và 325 lux.


Mặc dù Blade 2012 được tích hợp webcam 2 megapixel nhưng dường như
Razer lại “quên” trang bị thêm phần mềm kèm theo để tối ưu hoá cho
webcam của máy. Mặc dù vậy, khi thử nghiệm chụp ảnh bằng cách sử dụng
Skype hình ảnh cho chất lượng chấp nhận được với các chi tiết khá sắc
nét.


Âm thanh


Loa tích hợp của máy cung cấp âm thanh lớn, phong phú nhưng chất
lượng cũng chỉ ở mức trung bình và đặc biệt là do thiết kế loa ở mặt
dưới của máy nên âm thanh đôi khi bị “bóp nghẹt” khi đặt máy trên đùi,
gối… Tất nhiên nếu sử dụng tai nghe riêng thì chất lượng âm thanh là
tương đối tốt.


Bàn phím và Touchpad


Thiết kế đặc trưng bàn phím của Blade 2012 vẫn không có nhiều thay
đổi so với phiên bản cũ, đó là đèn nền xanh làm nổi bật các ký tự trên
bàn phím trông rất bắt mắt. Bàn phím kiểu đảo của Blade 2012 với khoảng
cách các phím rộng, thao tác nhập liệu khá dễ dàng, khả năng phản hồi
của các phím tốt nhưng phím backspace và phím hướng lên xuống bên trái
của bàn phím có thiết kế hơi nhỏ và bàn phím dễ lưu lại dấu vân tay.



Razer Blade (2012) IMG_0059-80549

Một trong những tính năng tốt nhất trên bàn phím của Blade 2012 là
nó hoàn toàn có thể tùy biến. Điều đó có nghĩa là người dùng có thể ghi
lại các macro vào bất kỳ nút nào trên bàn phím, điều này cho phép các
game thủ tạo ra các phím điều khiển tùy chỉnh. Một nút đặc biệt trang
trí với logo của Razer phía trên bàn phím sẽ hoạt động song song với các
tính năng đặc biệt của touchpad.


Một trong những tính năng nổi bật nhất của Blade 2012 chính là
touchpad. Thay vì thiết kết nằm phía dưới bàn phím như các loại máy tính
xách tay truyền thống thì Touchpad kích thước 89 x 58,42 mm của Blade
2012 lại được thiết kế ở phía bên phải của bàn phím, một thiết kế hoàn
toàn “trái ngược” và điều này ban đầu sẽ làm cho người dùng cảm thấy bối
rồi.



Razer Blade (2012) IMG_0029-80549

Ngoài ra touchpad là một màn hình LCD cảm ứng đa điểm kiêm nhiệm
rất nhiều chức năng như: Cho phép các game thủ có thể tuỳ chỉnh với 10
phím khác nhau dựa trên nhu cầu sử dụng, điều hướng chính xác trên các
trang web và các tài liệu, thực hiện các thao tác điều khiển chuột như
bình thường, hỗ trợ các thao tác cảm ứng đa điểm như zoom nhúm ngón tay
là khá mượt và dễ dàng.


Hai phím chuột trái và phải ở phía dưới Touchpad được thiết kế bằng
nhựa đen bóng, tách biệt, khả năng phản hồi tốt nhưng hơi nhỏ.


Giao diện Switchblade UI


Ngoài việc phục vụ như một touchpad thông thường thì màn hình LCD
hoạt động như một màn hình hiển thị thứ hai. Cùng với 10 phím chức năng
riêng biệt thì màn hình này cũng có thể được sử dụng để kích hoạt các
phím tắt và các macro trong các trò chơi thông qua giao diện người dùng
Switchblade của Razer.


Khi chúng tôi lần đầu tiên kích hoạt giao diện Switchblade, các
phím được chiếu sáng với các biểu tượng đầy màu sắc gồm nút chụp ảnh màn
hình, đồng hồ đo thời gian chơi game, Gmail, Twitter, Facebook, trình
duyệt Web. Nhấn nút Facebook bạn sẽ thấy phiên bản di động của Facebook
hiển thị trên touchpad, nơi bạn có thể đăng nhập vào tài khoản của mình
để sử dụng.



Razer Blade (2012) Razer3-80549

Người dùng cũng có thể tạo ra đến 10 trang các phím tắt cá nhân với
các biểu tượng tùy chỉnh riêng. Kích hoạt trình duyệt web, YouTube và
mạng xã hội ngay lập tức khi bạn bấm nút chức năng và theo dõi nội dung
các trang web trên màn hình hiển thị độ phân giải 800 x 480 pixel với
đầy đủ các chức năng của một màn hình cảm ứng như zoom nhúm ngón tay,
cuộn trang, xoay ảnh... Tuy nhiên, văn bản trên màn hình hiển thị nhỏ
nên người dùng sẽ gặp đôi chút khó khăn để đọc mặc dù có thể phóng to
màn hình lên.


Điểm được đánh giá cao đối với màn hình touchpad là mặc dù người
dùng khởi động các ứng dụng trên màn hình này những vẫn không làm thoát
khỏi trò chơi trên màn hình chính của máy.


Phần mềm Synapse 2.0

Touchpad dạng màn hình cảm LCD và các nút chức năng đi kèm là rất
tốt, nhưng để hoạt động tốt yêu cầu hệ thống phải cài đặt phần mềm Razer
Synapse 2.0. Hoạt động như trung tâm điều khiển của touchpad cảm ứng,
Synapse 2.0 cho phép người dùng tùy chỉnh các thiết lập như độ nhạy
chuột, bàn phím và độ sáng màn hình. Người dùng cũng có thể tạo các
profile cho bàn phím, bao gồm cả các macro và các biểu tượng cho 10 phím
tắt. Razer trang bị sẵn các nhóm macro cho các game thông dụng gồm Team
Fortress 2, Battlefield 3, Star Wars, The Old Republic và Counter
Strike.


Thêm một điểm đáng chú ý là Razer sẽ lưu trữ profile của bạn trên
dịch vụ lưu trữ đám mây, giúp người dùng không cần thiết phải tạo lại
profile mỗi khi bạn sử dụng máy tính xách tay mới hoặc chuột mới. Razer
cũng cho biết, người dùng có thể chia sẻ các profile mà họ tạo ra cho
những người dùng giao diện Switchblade khác cũng như với những người
dùng Blade khác.


Nhiệt độ


Sau khi xem một tập (episode) của loạt phim Desert Punk, kiểm tra
nhiệt độ của touchpad đo được 26,4 độ C. Tại vị trí giữa các phím G và H
nhiệt độ đo được là 30,8 độ C và ở phần dưới máy 31,9 độ C.


Khi chơi game Batman: Arkham City, nhiệt độ touchpad tăng lên 29,7
độ C, khoảng giữa các phím G và H nhiệt độ 36,85 độ C. Như vậy mặc dù
thiết kế lưới tản nhiệt phía dưới nhưng dường như khả năng thoát nhiệt
của Blade 2012 vẫn không được cải thiện nhiều, nhất là khi chơi game.


Cổng kết nối


Các cổng kết nối của Blade 2012 là không thật sự phong phú, nhưng
cũng “đủ dùng” bao gồm: Khe cắm khóa an toàn duy nhất ở bên cạnh phải
của máy, cạnh trái gồm 3 cổng USB 3.0, HDMI, Gigabit Ethernet và giắc
cắm cho tai nghe và cổng cắm nguồn. Đáng tiếc, Blade 2012 lại thiếu đi
một khe cắm thẻ SD.



Razer Blade (2012) Razer7-80549

Chơi game và đồ họa


Với việc nâng cấp sức mạnh đồ hoạ cho Blade 2012, Razer muốn các
game thủ có được những trải nghiệm chơi game tốt nhất, theo đó Blade
2012 được trang bị card đồ hoạ chuyên dụng Nvidia GeForce GTX 660M với
bộ nhớ đồ hoạ lên đến 2GB. Với công nghệ Optimus của Nvidia, máy có khả
năng tự động chuyển đổi qua lại giữa đồ hoạ tích hợp Intel HD 4000 và
card đồ hoạ rời tùy thuộc vào các nhiệm vụ mà máy tính thực hiện. Tuy
nhiên, có vẻ như Blade 2012 vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh với một số
các hệ thống chơi game khác trên thị trường.


Kiểm tra khả năng đồ hoạ của máy bằng 3DMark11, Blade 2012 ghi được
chỉ 2623 điểm, thấp hơn khá nhiều so với các đối thủ. Để dễ dàng so
sánh hiệu năng đồ hoạ của hệ thống, thử nghiệm với phiên bản Samsung
Series 7 Gamer giá 1899 USD (CPU Intel Core i7-3610M tốc độ 2,3GHz, RAM
16GB, Nvidia GeForce GTX 675M/2GB VRAM) ghi được tới 3651 điểm.



Razer Blade (2012) Razer13-80549

Trong khi với các hệ thống chơi game khác với các thông số kỹ thuật
tương đương cũng có điểm đồ hoạ cao hơn như Origin Eon 17S giá 3370 USD
(CPU Intel Core i7-3920XM tốc độ 2,9GHz, RAM 16GB, Nvidia GeForce GTX
675M/2GB VRAM) ghi được 3502 điểm. Alienware M17x R4 giá 2599 USD (CPU
Intel Core i7-3720QM tốc độ 2,6GHz, RAM 8GB, Nvidia GTX 680M) ghi được
6158 điểm.


Kiểm tra khả năng chơi game của Blade 2012 với game World of
Warcraft, máy đạt tốc độ trung bình là 104 fps (khung hình mỗi giây) khi
thiết lập màn hình ở độ phân giải 1920 x 1080 pixel. Tốc độ này tuy khá
tốt nhưng vẫn thấp hơn 80 fps so với mức frame rate trung bình là 184
fps trong dòng laptop chơi game. Các đối thủ như Samsung Series 7 Gamer
ghi được 167 fps trong khi Origin Eon 17S ghi được 232 fps. Alienware
M17x R4 vẫn ấn tượng nhất khi ghi được 279 fps. Khi thiết lập ở mức tối
đa trong game, Blade 2012 ghi được 51 fps, đối thủ Origin Eon 17S ghi
được 129 fps tiếp theo là Samsung Series 7 Gamer ghi được 135 fps và
M17x R4 ghi được 147 fps.


Với game đồ hoạ “khủng” như Batman Arkham Asylum, Razer Blade 2012
ghi được 38 fps với thiết lập màn hình độ phân giải 1920 x 1080 pixel,
thấp hơn nhiều so với mức trung bình 71 fps đối với máy tính để bàn
tương đương. Samsung Series 7 Gamer và Origin Eon 17S có vẻ như tốt hơn
khi ghi được 65 fps và 69 fps tương ứng. Alienware M17x R4 vẫn đứng đầu
với 82 fps.


Hiệu suất


Razer Blade 2012 là một trong những máy tính xách tay đầu tiên được
trang bị VXL lõi tứ Core i7-3632QM tốc độ 2,2 GHz, kết hợp với bộ nhớ
RAM lên đến 8GB máy hoạt động khá trơn tru và xử lý đa nhiệm rất tốt.


Trong bài kiểm tra PCMark 7, Razer Blade 2012 ghi được 4554 điểm,
cao hơn khá nhiều so với các đối thủ. Samsung Series 7 Gamer chỉ ghi
được 3611 điểm. Alienware M17x R4 cũng chỉ nhanh hơn một chút với 4610
điểm. Tuy nhiên, Origin Eon 17S lại vượt trội nhất khi ghi được 5602
điểm, điều này là nhờ vào sức mạnh của CPU Intel i7-3920XM tốc độ 2,9
GHz của máy.



Razer Blade (2012) 10-d522b

Dựa trên ổ đĩa lai (hybrid drive)
bao gồm ổ HDD dung lượng 500GB tốc độ 7200 rpm kết hợp với ổ SSD dung
lượng 64GB nên Blade 2012 có thời gian khởi động Windows 7 Home Premium
phiên bản 64 bit chỉ 25 giây, cao hơn mức trung bình (52 giâu) cũng như
vượt qua cả Samsung Series 7 Gamer (hai ổ HDD 750GB tốc độ 7200 rpm) và
Alienware M17x R4 (ổ HDD 500GB tốc độ 7200 rpm+ổ SSD 32GB) có thời gian
khởi động tương ứng là 42 giây và 34 giây. Riêng Origin Eon 17S (Hai ổ
SSD dung lượng 120GB trong cấu hình RAID 0 + ổ HDD dung lượng 1TB tốc độ
5400 rpm) ấn tượng nhất với thời gian khởi động chỉ là 17 giây.


Trong bài kiểm tra tốc độ truyền dữ liệu bằng File Transfer Test
khi sao chép 4,97GB dữ liệu gồm các tập tin đa phương tiện, Blade 2012
chỉ cần 59 giây với tốc độ truyền dữ liệu đạt 86,3 MBps, cao hơn mức
trung bình là 64MBps. Samsung Series 7 Gamer và Alienware M17x R4 chỉ có
tốc độ là 33 MBps và 24 MBps tương ứng. Chỉ riêng Origin Eon 17S là có
tốc độ truyền dữ liệu cao nhất lên đến 254 MBps.


Thời lượng pin


Khi kiểm tra thời lượng pin của máy bằng bài test lướt web liên tục
qua kết nối Wi-Fi, pin đi kèm Razer 2012 có thời gian sử dụng kéo dài
khoảng 3 giờ 50 phút. Thấp hơn mức trung bình (3:54) nhưng vẫn cao hơn
Origin Eon 17 (2:35) và Samsung Series 7 Gamer (3:21). Alienware M17x R4
tỏ ra vượt trội nhất với thời gian chạy là 5 giờ 27 phút.


Cấu hình


Phiên bản Razer Blade 2012 đánh giá có mức giá bán 2499 USD được
trang bị CPU lõi tứ Intel Core i7-3632QM tốc độ 2,2 GHz, RAM 8GB, ổ đĩa
lai (HDD 500GB tốc độ 7.200 rpm + SSD 64GB) và card đồ hoạ chuyên dụng
Nvidia GTX 660M với bộ nhớ 2GB.
Nhưng phiên bản gốc của Blade 2012 chỉ có giá 2299 USD với Intel
Core i7-2640 tốc độ 2,8GHz, RAM 8GB, ổ SSD 256GB và card đồ hoạ Nvidia
GT 555M với bộ nhớ 2GB.


Kết luận


Không thể phủ nhận Razer đã tạo ra một cỗ máy chơi game với màn
hình lớn, mang lại hiệu năng đáng kể trong một kích thước nhỏ gọn. Với
sức mạnh của vi xử lý lõi tứ Core i7 mới và đồ họa Nvidia GTX đóng gói
trong một thiết kế tổng thể đẹp và mỏng là những điểm khá ấn tượng.
Ngoài ra giao diện người dùng Switchblade còn là một trong những điểm
sáng tạo nhất với nhiều tính năng ưu việt mà không có hệ thống nào có
được.




Ưu điểm:

- Thiết kế mỏng và ấn tượng.
- Hiệu suất tổng thể mạnh mẽ.
- Màn hình hiển thị tốt.
- Giao diện người dùng Switchblade tối ưu hoá cho các game thủ


Nhược điểm:


- Giá cao.
- Chạy nóng trong quá trình chơi.